Dự án HEP tổ chức Hội thảo đánh giá hiệu quả hợp tác Trường Đại Học – Công nghiệp

277

Trong khuôn khổ dự án hợp tác đại học Việt Nam – Vương quốc Anh (HEP) về xây dựng quan hệ Trường Đại học – Công nghiệp hợp tác giữa Trường Đại học Salford (Vương quốc Anh), Trường Đại học Cần Thơ, Trường Đại học Trà Vinh, Trường Đại học Xây dựng Miền Tây và Trường Đại học Mỏ-Địa chất; hội thảo đánh giá kết quả khảo sát về hoạt động hợp tác giữa các trường đại học và đối tác công nghiệp đã được tổ chức tại Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 18/11/2019 với sự tham gia của tất cả các trường thành viên dự án, các đối tác công nghiệp của các trường và một số trường đại học tại Thành phố Hồ Chí Minh cùng đại diện Hội đồng Anh Việt Nam.

Hội thảo này nhằm phân tích kết quả khảo sát về hoạt động hợp tác giữa các trường đại học và các đối tác công nghiệp thông qua một công cụ đánh giá do Trường Đại học Salford cung cấp cho các trường Đại học Việt Nam. Công cụ đó được xây dựng nhằm định lượng các tiêu chí hợp tác Nhà trường-Công nghiệp (University- Industry Link) bao gồm: hợp tác trong giảng dạy (Teaching), cam kết hợp tác (Engagement), hợp tác trong nghiên cứu (Research) và tiêu chí về vận hành (Operation). Mỗi tiêu chí có một trọng số dựa trên chiến lược hợp tác với doanh nghiệp của từng trường. Các trường đại học trong dự án đã sử dụng công cụ này để khảo sát 10 doanh nghiệp có hợp tác với Trường. Mỗi doanh nghiệp được đánh giá về tình hình hợp tác với nhà trường mỗi 6 tháng một lần để giúp nhà trường nhận định chiều hướng phát triển của mối quan hệ đó, từ đó có những điều chỉnh chiến lược phù hợp với yêu cầu phát triển của nhà trường cũng như của doanh nghiệp. Kết quả khảo sát đã được Trường Đại học Salford đánh giá, phân tích và công bố tại Hội thảo này.

Dựa trên kết quả đánh giá của 4 trường đại học Việt Nam trong dự án, Giáo sư Hisham Elkadi – Trưởng Khoa Xây dựng và Môi trường của trường Đại học Salford đã đưa ra một bức tranh chung về hiệu quả hợp tác với doanh nghiệp của từng trường đại học Việt Nam trong dự án, so sánh tại hai thời điểm: khi bắt đầu hợp tác và sau 6 tháng. Tiêu chí về cam kết trong hợp tác được tất cả 4 trường đại học Việt Nam và các đối tác công nghiệp của mình phát triển mạnh nhất, trong khi đó việc tham gia của doanh nghiệp vào quá trình đào tạo và nghiên cứu khoa học chưa được quan tâm phát triển tại cả 4 trường – mặc dù tại trường Đại học Mỏ – Địa chất kết quả đánh giá khả quan hơn so với các trường khác, việc vận hành quan hệ hợp tác cũng còn khá yếu. Trước đó, GS. Hisham Elkadi đã có những phân tích về vai trò của Chính phủ, của tổ chức và các cá nhân trong việc xây dựng và phát triển quan hệ Đại học-Công nghiệp; sự cần thiết phải xây dựng một chiến lược hợp tác hiệu quả trong bối cảnh chất lượng giáo dục gắn liền với sự phát triển của kinh tế-xã hội.

Bên cạnh đó, bà Nicole Preston, giám đốc điều hành của tập đoàn Balfour Beatty- một đối tác doanh nghiệp của Trường Đại học Salford đã chia sẻ kinh nghiệm hợp tác với các trường đại học của công ty, các yếu tố cần nhấn mạnh và đạt được khi doanh nghiệp tham gia vào các hoạt động của Nhà trường cũng như khi sinh viên tham gia và học tập trong thực tế sản xuất-kinh doanh.

Thông qua Hội thảo này, các doanh nghiệp trong nước cũng chia sẻ các quan điểm cởi mở và tin tưởng hơn trong hợp tác với các trường đại học. Các thành viên tham gia hội thảo cũng đã đóng góp những quan điểm để khắc phục những điểm còn tồn tại, nâng cao chất lượng đánh giá và những cải tiến để quan hệ hợp tác Đại học-Công nghiệp thiết thực hơn đối với từng trường trong dự án và với các trường đại học nói chung.

Mọi quan hệ hợp tác đều phải xuất phát từ nguyên tắc và tư duy cùng có lợi. Đặc biệt đối với quan hệ hợp tác Đại học-Công nghiệp là mối quan hệ đặc biệt, cần có sự quan tâm và có chính sách phù hợp của cơ quan quản lý nhà nước, của từng trường đại học và từng doanh nghiệp bởi nó quyết định chất lượng nguồn nhân lực tham gia phát triển kinh tế-xã hội của địa phương cũng như của đất nước.

Ý kiến của bạn